I. Cấu trúc niêm mạc mũi.
1. Biểu mô.
***Niêm mạc mũi là niêm mạc hô hấp gồm nhiều tế bào có lông chuyển động, bao gồm 4 loại tế bào:
- Tế bào trụ có lông chuyển: mỗi tế bào có 50 - 200 lông chuyển và 200-400 vi nhung mao, mỗi lông chuyển dài từ 4-6μm, đường kính 0,2-0,3μm, đập liên tục với tần số 10-12 lần/giây.
-Tế bào đáy: các tế bào lông có thể bị thoái hóa, bong ra vì thế cần được thay thế bằng các tế bào đáy. Khi lớp biểu mô ở bên trong bong ra thì các tế bào này di chuyển đi lên mặt niêm mạc, biệt hóa để trở thành tế bào trụ có lông chuyển hoặc tế bào khác để thay thế.
- Tế bào hình dài: nó bài tiết chất nhầy mucin trực tiếp qua màng tế bào, đổ lên mặt trên của niêm mạc. Mật độ ở trong xoang cao hơn ở trong mũi nhiều, nó giữ vài trò chính trong việc điều tiết dịch nhầy ở mũi và xoang.
- Tế bào không có lông chuyển: trên mặt có nhiều vi nhung mao, mỗi vi nhung mao dài 2μm, đường kính 0,1μm, có vai trò giữ cân bằng dịch quanh các lông chuyển, giữ độ ẩm cho mũi xoang.
2. Tổ chức liên kết dưới biểu mô
*** Các tế bào:
- Những Lympho bào thâm nhập lan tràn ở lớp dưới biểu mô, có vai trò đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.
- Đại thực bào, dưỡng bào, bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu ưa acid có số lượng thường xuyên thay đổi, có xu hướng di chuyển lên trên mặt của niêm mạc mũi làm tăng cường miễn dịch.
- Tương bào số lượng ít nhưng sẽ tăng lên khi bị viêm để tăng cường tạo Globulin miễn dịch.
- Các tuyến tiết dịch: Nằm ở dưới biểu mô, các tuyến này tiết dịch nhầy rồi tập trung vào các ống đổ ra lớp biểu mô.
3. Lớp dịch nhầy.
Tạo thành lớp màng mỏng khoảng 10μm bao phủ bề mặt niêm mạc mũi, nơi diễn ra các trao đổi chuyển hóa và các hoạt động sinh học. Lớp dịch nhầy này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động dẫn lưu. Những vật lạ, bụi, vi khuẩn, virus sẽ được bắt giữ lại bởi dịch nhầy. Các lông chuyển sẽ chuyển các lớp dịch nhầy từ trước ra sau mũi và xuống họng.
II. Hoạt động của niêm mạc mũi.
1. Lọc khí.
Không khí hít vào mũi không sạch, có nhiều hạt nhỏ, khí độc, vi khuẩn virus…Tất cả các yếu tố này sẽ bị giữ lại trong lớp dịch nhầy của mũi và làm cho không khí được sạch trước khi vào phổi.
2. Dẫn lưu.
Dịch nhầy được luân chuyển từ trước ra sau rồi xuống họng nhờ hoạt động của lông chuyển theo 2 cách đập nhanh và đạp chậm. Nếu sự dẫn lưu này không đảm bảo sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lý ở mũi xoang.
III. Chức năng của niêm mạc mũi.
1. Chức năng các tuyến tiết.
- Tuyến tiết đảm bảo cho niêm mạc mũi luôn trơn láng, đủ độ ẩm ướt và hoạt động thanh lọc khí được diễn ra bình thường.
2. Chức năng miễn dịch ở mũi.
Các Globulin miễn dịch có trong dịch tiết của mũi có vai trò quan trọng trong việc chống vi khuẩn và virus thâm nhập theo đường thở. Cụ thể như:
Kết vón các vi khuẩn, không cho vi khuẩn báo vào niêm mạc nên vi khuẩn dễ bị đẩy trôi hoặc bị đại thực bào.
- Chống nấm, ngăn ngừa được phản ứng dị ứng.
- Ức chế sinh sản của vi khuẩn.
- Trung hòa vi khuẩn.
- Ngăn vi khuẩn xâm nhập qua biểu mô.
- Các lympho bào trên bề mặt niêm mạc mũi có khả năng tổng hợp các MIF là các yếu tố ức chế di tản. Bên cạnh đó các đại thực bào, dưỡng bào và bạch cầu ưa base, bạch cầu ưa acid luôn tồn tại ở niêm mạc mũi với những hoạt động khác nhau để đáp ứng miễn dịch của mũi.
3. Chức năng vận mạch.
Kích thích giao cảm gây co mạch ở niêm mạc mũi. Còn kích thích phó giao cảm gây ra cả giãn mạch mũi và tăng tiết dịch ở các tuyến dưới niêm mạc
Sự rối loạn về chức năng vận mạch gây nên tình trạng phù nề, ngạt tắc mũi và tăng tiết dịch nhầy – những triệu chứng chủ yếu của viêm mũi dị ứng và viêm mũi vận mạch.
Tóm lại, vai trò chức năng chính của niêm mạc mũi nói chung cần nhớ là:
- Lọc khí: làm sạch bụi, vi khuẩn, vi rus có trong không khí hít vào. Cân bằng độ ẩm, nhiệt độ không khí trước khi vào phổi.
- Dẫn lưu, tống đẩy các cặn bụi bẩn, vi khuẩn và virus ra ngoài không cho đưa vào phổi gây viêm nhiễm đường hô hấp.
- Miễn dịch: tiêu diệt vi khuẩn, virus trong không khí trước khi được hít vào phổi.
Thạc sĩ, Lương y. Đỗ Duy Thắng