Bệnh viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm nhiễm, mất đi khả năng hoạt động bình thường. Những tổn thương lâu ngày không được điều trị dẫn đến ứ đọng dịch nhầy. Chất dịch này bám vào thành và gây ra hiện tượng đầy ứ, hẹp và tắc lỗ thông xoang, dẫn đến viêm nhiễm tạo mủ.
Viêm xoang được phân loại thành bệnh cấp tính và mãn tính. Viêm xoang cấp tính xuất hiện trong thời gian ngắn, dưới 4 tuần; viêm xoang mãn tính là tình trạng bệnh kéo dài trên 12 tuần.
Cấp độ bệnh viêm xoang theo thứ tự thường gặp là:
●Viêm xoang hàm
●Viêm xoang sàng
●Viêm xoang trán
●Viêm xoang bướm.
●Viêm nhiều xoang cùng lúc
4 Nguyên nhân viêm xoang hàng đầu hiện nay
Bệnh viêm xoang có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên dưới đây là một số thủ phạm:
●Vi khuẩn, nấm: Nguyên nhân viêm xoang do vi khuẩn, nấm phát triển trong các xoang gây nên tình trạng viêm nhiễm, ứ đọng chất nhầy, cản trở luồng không khí lưu thông.
●Cơ địa dị ứng: Những người có thể trạng đặc biệt dễ bị dị ứng với một số chất, thường là hóa chất, thức ăn, lông chó mèo, phấn hoa... gây niêm mạc mũi phù nề, bít các lỗ xoang và cuối cùng là nhiễm trùng.
●Sức đề kháng kém: Cơ thể suy nhược, niêm mạc đường hô hấp suy yếu, hệ thần kinh rối loạn khiến cơ thể không đủ sức tấn công lại vi khuẩn cũng là nguyên nhân viêm xoang.
●Bệnh lý đường hô hấp: Nguyên nhân viêm xoang còn do tuyến nhầy niêm mạc xoang hoạt động quá mức, hệ thống lông chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài hoạt động kém, viêm mũi dị ứng, ...
●Nguyên nhân khác: Bệnh viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng hàm trên, chấn thương...
Điểm danh 3 triệu chứng viêm xoang nặng điển hình
Bệnh viêm xoang với một số triệu chứng điển hình thường gặp như:
●Đau, nhức đầu: Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm xoang trán. Người bệnh thường đau nhức ở giữa 2 lông mày, đau một bên ở phía trên ổ mắt, cơn đau thường tăng dần và đau đỉnh điểm giữa trưa. Trong cơn đau, bệnh nhân có thể chảy nước mắt, nước mũi, chảy mủ…
●Chảy dịch mũi: Người bị viêm xoang trán ngoài triệu chứng đau đầu còn hay bị chảy dịch mũi. Dịch thường đặc, có màu vàng, nâu hoặc xanh, có mũi tanh hoặc hôi.
●Chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Đau đầu thường xuyên dễ gây ra chóng mặt, mất ngủ, suy nhược… Chảy dịch mũi nhiều dẫn đến mất nước, cũng gây ra hiện tượng chóng mặt.
Lưu ý: Người bệnh cần phân biệt triệu chứng viêm xoang với bệnh viêm mũi dị ứng. Bệnh viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài vào buổi sáng hoặc buổi tối, dịch mũi có màu trong suốt, không màu và nghẹt mũi.
Cách chữa viêm xoang và phòng ngừa tốt nhất tại nhà
Điều trị viêm xoang nội khoa
Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc giảm đau đơn giản, rửa mũi hay xông hơi bằng nước muối sinh lý ấm. Bên cạnh đó, kết hợp với việc thay đổi lối sống như ăn uống nóng, nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.
Sau 2 ngày, nếu các triệu chứng viêm xoang không cải thiện hoặc tình trạng trở nặng thêm thì nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và có thể cho dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Bệnh nhân sẽ được chỉ định chọc rửa xoang hàm khi bị viêm mãn tính.
Điều trị viêm xoang ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa thường được áp dụng khi điều trị xoang bằng nội khoa không hiệu quả, thường gặp ở giai đoạn bệnh mãn tính. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng sau phẫu thuật, bệnh nhân viêm xoang vẫn có đến 30 - 40% nguy cơ tái phát lại. Do đó, người bệnh cần phải cân nhắc kĩ càng việc phẫu thuật nếu chưa cần thiết.
Khả năng tái phát viêm xoang phụ thuộc vào cơ địa người bệnh, tình trạng viêm xoang hay việc bệnh nhân có tuân thủ theo các phác đồ điều trị bệnh hay không.
Phòng ngừa bệnh viêm xoang
●Để ngừa viêm xoang, tốt nhất người bệnh nên phòng tránh và điều trị sớm khi bị cảm cúm. Các biện pháp phòng ngừa phổ biến như: chích ngừa cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, nhất sau khi tiếp xúc với người ốm.
●Bổ sung nhiều trái cây tươi, rau xanh và tránh căng thẳng mệt mỏi trong cuộc sống. Ngoài ra, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như (khói thuốc lá, bụi đường phố, khói xe, hóa chất, máy lạnh…).
●Không để tình trạng nghẹt mũi kéo dài, điều trị dị ứng kịp thời và đúng cách. Đặc biệt người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc xịt mũi, nhỏ mũi.
●Sau khi đi bơi hay bị nghẹt mũi nên vệ sinh mũi bằng cách dùng dung dịch nước muối sinh lý có bán tại hiệu thuốc.
●Xây dựng chế độ nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể hợp lý để nâng cao thể lực, phòng chống cảm cúm. Khi sổ mũi kéo dài trên 3 ngày, nước mũi có màu vàng hoặc màu xanh thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời.